Đặc trưng cơ bản Langrisser

Ban đầu Langrisser được phát triển trên Mega Drive, nhưng sau đó chuyển sang nhiều hệ máy khác nhau như Sega Saturn, Snes,... Langrisser I, II do Masaya phát triển còn Langrisser III, IV, V thì do CareerSoft phát triển (nhưng thực chất những người phát triển cũng chỉ là một). Langrisser là series Simulation RPG có tính hoàn hảo cao, là game ứng dụng yếu tố thuộc tính vào gameplay nên tính chiến thuật rất phức tạp. Tuy có ít nhiều sai biệt giữa các phiên bản nhưng chúng đều có những đặc điểm chung nhất như sau. (Ngoại trừ Langrisser III có gameplay rất khác biệt so với các phiên bản còn lại)

+ Toàn bộ câu chuyện trong từng phiên bản được chia thành nhiều Scenario, mỗi Scenario hé lộ một phần cốt truyện thông qua các trận đánh và sự kiện trong Scenario đó. Ngoài những Scenario chính còn có một số Scenario ẩn (không liên quan tới cốt truyện) chỉ được kích hoạt khi người chơi đứng vào vị trí đặc biệt trong một số Scenario nhất định. Ngoài ra trong một số Scenario cũng có các vị trí đặc biệt mà nếu đứng vào, lựa chọn câu trả lời phù hợp thì người chơi sẽ được thưởng một số Item đặc biệt.

+ Trước mỗi trận đánh, người chơi được quyền lựa chọn vị trí cho đơn vị chỉ huy của một nhóm quân, được quyền mua Item và trang bị cũng như được quyền mua (thuê) binh lính. Nhưng cũng có một số Scenario đặc biệt không cho phép người chơi chọn lựa vị trí đứng ban đầu.

+ Mỗi nhóm binh sĩ bao gồm một đơn vị chỉ huy (là một nhân vật trong câu chuyện đối với phe người chơi) và các đơn vị lính thuê. Lính thuê chỉ dùng một lần (một Scenario) rồi bỏ. Mỗi đơn vị có số HP là 10 (trừ Langrisser III), khi HP xuống còn 0 thì đơn vị bị loại khỏi vòng chiến, hay nói nôm na là "chết". Khi đơn vị chỉ huy của nhóm "chết" đi thì toàn bộ các đơn vị lính thuê cũng sẽ chết theo. Các đơn vị chỉ huy, hay các nhân vật của phe người chơi không chết trong cuộc chơi khi HP xuống còn 0, mà họ chỉ tạm thời rút lui khỏi Scenario đó để rồi xuất hiện trở lại ở Scenario kế tiếp.

Một cảnh chiến đấu trong Der Langrisser

+ Mỗi đơn vị chỉ huy, ngoài các chỉ số tấn công, phòng thủ, ma thuật, MP... ra thì còn có các chỉ số tu chính (修正) và phạm vi chỉ huy (指揮範囲). Các đơn vị lính thuê nhận được đầy đủ chỉ số tu chính từ đơn vị chỉ huy nếu còn trong phạm vi chỉ huy và chỉ số tu chính này sẽ không còn (như Langrisser I, II) hoặc giảm đáng kể (Langrisser IV, V) khi ra khỏi phạm vi chỉ huy. Nói cách khác, phạm vi chỉ huy là tầm ảnh hưởng của đơn vị chỉ huy đối với các đơn vị lính thuê. Vì vậy, trong khi hành động thì các đơn vị lính thuê sẽ cố gắng bám sát đơn vị chỉ huy nhất.

+ Các bên tham chiến thay nhau hành động dựa theo "lượt đi". Ở hai phiên bản đầu, một bên tham chiến (người chơi hoặc máy tính) có thể di chuyển, cho hành động bất cứ đơn vị nào của mình theo bất cứ trật tự nào và chỉ một lần duy nhất trong lượt đi (trừ việc sử dụng phép thuật đặc biệt để có thể hành động lần nữa trong lượt). Nhưng ở hai phiên bản cuối thì mỗi bên tham chiến chỉ có thể cho hoạt động một nhóm binh sĩ trong một lúc mà thôi. Nhóm nào có đơn vị chỉ huy mang chỉ số phán đoán cao hơn sẽ được hành động trước.

+ Mỗi đơn vị có số HP cao nhất là 10. Lúc này đơn vị sẽ tấn công ở mức 100% hiệu suất sức mạnh của mình. Khi HP giảm, hiệu suất này cũng giảm theo. Điều này có nghĩa là một đơn vị A có 7 HP sẽ không bao giờ tiêu diệt được đơn vị B có 10 HP trong trận đánh, dù là đơn vị A mạnh hơn đơn vị B bao nhiêu lần đi nữa. Ngoài ra hiệu suất tấn công cũng còn phụ thuộc vào phương cách tấn công của đơn vị. Những đơn vị có cách tấn công nhanh thường có lợi thế hơn so với đơn vị có lối tấn công chậm. Đây là điểm khác biệt rất lớn giữa Langrisser và nhiều game RPG khác. Ngoài ra tính sát thương trong Langrisser còn phụ thuộc vào tính ngẫu nhiên. Đơn vị A có sức tấn công kém hơn sức phòng thủ của đơn vị B đôi khi cũng có thể gây ra tổn thương nho nhỏ cho đơn vị B.

+ Khi bắt đầu game, người chơi có quyền lựa chọn nhân vật của mình (các chỉ số, đồ trang bị và một số yếu tố khác) thông qua hình thức trả lời các câu hỏi. Tùy vào câu trả lời mà kết quả nhân vật có được rất khác nhau.